Bão Cytokin và các thuốc điều trị tiềm năng
TS. Đỗ Thị Nguyệt Quế– Đại học Dược Hà Nội
I. Các triệu chứng COVID-19
Các triệu chứng Covid-19, do SARS-CoV-2, có thể rất khác nhau rất giữa các bệnh nhân, từ mệt mỏi nhẹ đến viêm phổi đe dọa tính mạng, bão cytokin và suy đa phủ tạng.
Hầu hết các bệnh nhân Covid không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ. 15–20% bệnh cần nhập viện và dưới 5% bệnh nhân có thể nặng hoặc nguy kịch. Các bệnh nhân nặng, nguy kịch đặc trưng bởi hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS) và suy đa phủ tạng (MOF), cần được điều trị tích cực và thường tiên lượng xấu [7].
Bão cytokin được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV [11], [5].
Trên thực tế bão Cytokin không chỉ gặp ở bệnh nhân Covid mà còn có thể gây ra bởi các nguyên nhân khác như vi khuẩn hoặc do các virus khác (như EBV-associated HLH, HHV-8–associated MCD…). Thời gian khởi phát và thời gian tồn tại của bão cytokin khác nhau ở mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị được thực hiện.
Các triệu chứng của bão cytokin được tóm tắt trong hình dưới đây [1]:

Gần như tất cả bệnh nhân bị bão cytokin đều sốt và có thể sốt cao trong những trường hợp nặng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị mệt mỏi, chán ăn, nhức đầu, phát ban, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ và
rối loạn thần kinh. Một số trường hợp có thể tiến triển nhanh chóng dẫn đến rối loạn đông máu, huyết khối (cục máu đông), tắc mạch máu hoặc xuất huyết, tai biến, khó thở, giảm oxy máu, hạ huyết áp, sốc, giãn mạch và tử vong. Nhiều bệnh nhân có các triệu chứng về hô hấp, như ho và thở nhanh, có thể tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), giảm oxy máu và có thể phải thở máy. Sự kết hợp của quá trình viêm, rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu khiến bệnh nhân bão cytokin có nguy cơ xuất huyết (chảy máu) cao. Trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân có thể bị suy thận, tổn thương gan cấp tính hoặc ứ mật, bị bệnh cơ tim. Rối loạn chức năng thận, hoại tử tế bào nội mô mạch máu và giảm albumin máu cấp tính dẫn đến tăng tính thấm thành mạch máu làm máu thoát ra khỏi thành mạch. Bệnh nhân có thể gặp hội chứng nhiễm độc thần kinh liên quan đến miễn dịch. Các dấu hiệu độc thần kinh thường xuất hiện chậm vài ngày sau khi bão cytokin khởi phát [1], [11].
Các loại cytokin trong huyết thanh tăng ở những bệnh nhân bị bão cytokin
Virus tấn công vào các tế bào của cơ thể kích hoạt các phản ứng viêm dẫn đến giải phóng các cytokin tiền viêm và gây chết tế bào. Tế bào chết tiếp tục giải phóng các yếu tố làm tăng phản ứng viêm. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, ở bệnh nhân COVID-19, nồng độ các cytokin như interleukin (IL) -1β, IL-2, IL-6 IL-7, IL-8, IL-9, IL-10, IL-18, yếu tố hoại tử khối u (TNF) -α, yếu tố kích thích tế bào bạch cầu hạt (G-CSF), yếu tố kích thích đại thực bào, yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi, protein viêm đại thực bào 1 tăng cao hơn so với người bình thường. Nồng độ cytokin trong huyết thanh tăng ở những bệnh nhân bị bão cytokin liên quan đến Covid-19 bao gồm interleukin-1β, interleukin-6, IP-10, TNF, interferon-γ, MIP 1α và 1β, VEGF [1]. Hiện tượng giải phóng quá nhiều cytokin hay còn gọi là bão cytokin, đang được coi là nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp cấp tính (ARDS) và suy đa phủ tạng (MOF) ở bệnh nhân COVID-19 [1].
Ở bệnh nhân COVID-19, nồng độ IL-6, IL-1 và TNF-α càng cao bệnh càng nặng. Nồng độ các cytokin này tăng cao hơn rõ rệt ở các bệnh nhân phải điều trị tích cực (điều trị trong ICU) so với các trường hợp nhẹ hoặc trung bình [11], [5], [15].
Ngoài nồng độ cytokin toàn thân tăng và tăng hoạt hóa các tế bào miễn dịch, một số chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng như nồng độ CRP và D-dimer tăng cao, giảm albumin máu, rối loạn chức năng thận và tràn dịch cũng được quan sát thấy ở Covid-19 [1].
Có ba giai đoạn tiến triển khi nhiễm SARS-CoV-2: giai đoạn sớm, giai đoạn phổi và giai đoạn viêm nặng. Các phương pháp điều trị để ngăn chặn sự xuất hiện của các cơn bão cytokin là giai đoạn quan trọng để điều trị tích cực nhằm kiểm soát tình trạng xấu đi thêm [16].
II. Điều trị COVID-19
Chiến lược điều trị chung đối với bệnh nhân gặp bão cytokin bao gồm chăm sóc hỗ trợ để duy trì các chức năng sống quan trọng; Kiểm soát các bệnh nền của bệnh nhân và loại bỏ các yếu tố kích hoạt hệ thống miễn dịch bất thường; Điều hòa miễn dịch hoặc ức chế miễn dịch để hạn chế tổn thương.
Một số lưu ý trong điều trị ở bệnh nhân Covid
Cytokin có thể vừa là thành phần chính của cơn bão cytokin vừa là yếu tố thiết yếu bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm khuẩn. Do đó, việc ngăn chặn tín hiệu cytokin có thể làm giảm sự thanh thải (giảm khả năng loại trừ) virus SARS-CoV-2 ra khỏi cơ thể và có thể làm tăng
- Nguy cơ nhiễm trùng, do đó tình trạng bệnh nhân có thể xấu đi. Vì vậy việc lựa chọn đúng thời điểm sử dụng và đúng nhóm bệnh nhân mắc Covid-19 là quan trọng.
- Giảm bạch huyết có thể không gặp trong cơn bão cytokin, nhưng nó là một dấu hiệu của Covid-19 nghiêm trọng. Hiện tại vẫn chưa rõ giảm bạch huyết ở Covid-19 là do thâm nhiễm mô hay do lymphocyte bị phá hủy.
Đông máu có thể xảy ra trong bão cytokin do các nguyên nhân khác nhau, nhưng tần xuất gặp lớn hơn trong bão cytokin liên quan đến Covid-19.

Quá trình xâm nhập giải phóng các cytokin và các đích tác dụng của thuốc [7]
Mặc dù hiện còn nhiều điều chưa rõ về bão cytokin nhưng đã có khá nhiều các nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm ra các thuốc điều trị. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã được bắt đầu để đánh giá hiệu quả của các biện pháp điều trị trong đó chủ yếu là các thuốc/ các chất ức chế trực tiếp cytokin và các liệu pháp điều hòa miễn dịch [11], [7]. Các thuốc/ chất tiềm năng để kiểm soát bão cytokin ở bệnh nhân COVID-19 đang được nghiên cứu và áp dụng gồm: Thuốc chẹn IL-6 / IL-6R; Chất ức chế IL-1; Chất ức chế JAK; Chất ức chế IFN-γ; Chất ức chế TNF-α; Corticosteroid; Liệu pháp lọc máu; Liệu pháp tế bào gốc.
Các nhóm thuốc điều trị COVID-19
1. Các thuốc nhóm Corticosteroid
Các corticoid gồm các thuốc như pressnisolon, methylpresnisolon, dexamethason, bethamethason…
Các corticoid khác nhau chủ yếu ở các đặc điểm: tác dụng chống viêm, thời gian tác dụng và tác dụng phụ giữ muối giữ nước gây phù. Trong đó các thuốc hydrocortison, cortison có tác dụng chống viêm yếu nhất so với các thuốc trong nhóm, tác dụng ngắn (1-12h), gây giữ muối giữ nước. Các thuốc prednison, prednisolon, methylprednisolon tác dụng chống viêm mạnh hơn hydrocortison, cortison 4- 5 lần, thời gian tác dụng trung bình (12-36h) và tác dụng giữa muối giữ nước ít. Dexamethason, betamethason tác dụng chống viêm mạnh hơn hydrocortison, cortison khoảng 30 lần, thời gian tác dụng dài (36-56h) và tác dụng giữ muối giữ nước rất ít [6].
Tỷ lệ tử vong cao liên quan đến nhiễm SARS-COV-2 có thể liên quan đến sự phá hủy phổi do các cytokin tiền viêm tăng cao gây ra. Do đó, thuốc chống viêm corticosteroid có thể được sử dụng để giảm tổn thương phổi do bão cytokin những bệnh nhân bị COVID-19 [11] và có thể làm giảm nguy cơ suy hô hấp cấp [14].
Mặc dù được sử dụng rộng rãi theo kinh nghiệm trong điều trị các dạng suy hô hấp cấp nặng (ARDS), vai trò của corticosteroid đường toàn thân (dùng đường uống, đường tiêm) vẫn còn nhiều tranh cãi. Corticosteroid đóng vai trò chính trong điều trị bão cytokin và hội chứng hoạt hóa đại thực bào trong các bệnh tự miễn dịch [3]; Đối với bệnh nhân COVID-19, corticosteroid có thể hữu ích trong các dạng bão cytokin nghiêm trọng nhằm hạn chế phản ứng viêm toàn thân và ngăn ngừa sự xuất hiện suy hô hấp cấp nặng nếu được sử dụng đúng thời điểm [1]. Việc sử dụng corticosteroid sớm dường như có thể làm xấu đi tình trạng bệnh vì các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng corticosteroid, chẳng hạn như suy giảm khả năng thanh thải virus và tăng tỷ lệ nhiễm vi khuẩn hoặc nấm thứ phát [1], [11]. Vì lý do này, Tổ chức y tế thế giới (WHO) không khuyến nghị sử dụng corticosteroid thường quy ở bệnh nhân COVID-19 ngoài các thử nghiệm lâm sàng; Việc sử dụng phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể hoặc trừ khi được chỉ định cho các bệnh lý khác, như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn và sốc nhiễm trùng [19].
Người ta đã chứng minh rằng liệu pháp dexamethason ngắn hạn có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm bằng cách ức chế cơn bão cytokin nghiêm trọng hoặc giai đoạn tăng viêm ở bệnh nhân COVID-19 bị viêm phổi [5].
Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên. Có đối chứng về việc sử dụng dexamethason (với liều 6 mg/ 1 lần/ ngày) uống hoặc tiêm tĩnh mạch trong 10 ngày trong đó 2104 bệnh nhân được chỉ định dùng dexamethason so với 4321 bệnh nhân không dùng dexamethason (thử nghiệm RECOVERY). Kết quả cho thấy, nhóm bệnh nhân điều trị bằng dexamethason với liều 6 mg x 1 lần/ ngày trong tối đa 10 ngày làm giảm tỷ lệ tử vong trong 28 ngày ở những bệnh nhân bị Covid-19 đang được hỗ trợ hô hấp. Nhưng không làm giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân ở những bệnh nhân không cần thở oxy. Tuy nhiên vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn để khẳng định liệu pháp dexamethason có gây hại ở những bệnh nhân bị COVID-19 từ nhẹ đến trung bình hay không [17].
2. Nhóm các thuốc điều trị với đích tác dụng là các cytokin
Nồng độ các cytokin (IL-1β, IL-6, và TNF-α) tăng ở bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là ở thể nặng, và có thể đóng vai trò trung tâm trong việc xác định tổn thương mô lan tỏa liên quan đến bão cytokin [28]. Điều này dẫn đến giả định rằng các loại thuốc ức chế các phân tử cytokin này có thể có lợi trong việc giảm các phản ứng viêm quá mức trong bão cytokin. Một số thuốc tác dụng trên các đích là các cytokin như sau:
Chất ức chế IL-1
Có ba cytokin quan trọng thuộc họ IL-1 trong các cơn bão cytokin: IL-1β, IL-18 và IL-33, trong đó khối IL-1β để chống lại các cơn bão cytokin rất được quan tâm [11].
Anakinra, một chất đối kháng thụ thể IL-1 ngăn hoạt động của IL-1, là một tác nhân đầy hứa hẹn trong bối cảnh COVID-19 hiện nay do nó đã được chứng minh là có hiệu quả trong nhiễm trùng huyết nặng biến chứng phức tạp gây ra bởi hội chứng hoạt hóa đại thực bào trong bão cytokin. Tuy nhiên các dữ liệu về việc sử dụng thuốc này ở bệnh nhân COVID-19 còn hạn chế. Gần đây Monteagudo et al. báo cáo 5 trường hợp bị bão cytokin được truyền anakinra tĩnh mạch liên tục đã giúp cải thiện nhanh chóng các thông số xét nghiệm và lâm sàng. Cavalli và cộng sự báo cáo về 29 bệnh nhân mắc COVID-19 và bị suy hô hấp cấp được điều trị bằng anakinra liều cao; kết quả cho thấy phương pháp điều trị được chứng minh là an toàn và có liên quan đến cải thiện lâm sàng ở 72% bệnh nhân. Trong một nghiên cứu được công bố gần đây của Huet et al. Trong đó 52 bệnh nhân sử dụng anakinra (theo dõi tiến cứu) và 44 bệnh nhân (hồi cứu từ hồ sơ bệnh án) với liều tiêm dưới da 100 mg hai lần một ngày trong 72 giờ và sau đó 100 mg mỗi ngày trong 7 ngày, kết quả cho thấy anakinra làm giảm cả tỷ lệ bệnh nhân cần thở máy trong ICU, giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân bị COVID-19 nặng, không có tác dụng phụ nghiêm trọng [11].
Mặc dù những kết quả đầy hứa hẹn nhưng vẫn cần có thêm các thử nghiệm có đối chứng để có được xác nhận hiệu quả của thuốc.
Một phân tích hồi cứu nhỏ trên 10 bệnh nhân bị viêm phổi COVID-19 nặng được điều trị bằng canakinumab, một chất kháng IL-1β (phát triển bởi hãng Novartis), cho thấy chất này cải thiện nhanh chóng phản ứng viêm và giải quyết tình trạng giảm oxy máu. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với canakinumab trên bệnh nhân COVID-19 nặng đang được tiến hành (NCT04362813) [2].
Chất kháng IL-6
Kháng IL-6 là một nhóm thuốc có tác dụng chống viêm hoạt động bằng cách nhắm vào thụ thể IL6 hoặc chính IL-6.
Một phân tích đánh giá tổng hợp về nồng độ IL-6 trung bình ở bệnh nhân Covit-19 cho thấy, nồng độ IL-6 ở các bệnh nhân này cao hơn 2,9 lần so với bình thường [4], IL-6 càng cao tiên lượng tình trạng bệnh nhân càng nặng [18]. Hiện tại, một số thuốc thuốc chẹn IL-6 / IL-6R đang được thử nghiệm lâm sàng gồm:
Tocilizumab: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tocilizumab, một kháng thể kháng thụ thể IL-6, có thể đảo ngược bão cytokin ở bệnh ung thư. Do nồng độ IL-6 trong huyết thanh tăng lên rất nhiều ở những bệnh nhân mắc COVID-19, việc sử dụng thuốc này trong giai đoạn đầu của bệnh cho thấy những tác động tích cực đến bệnh nhân COVID-19. Hơn nữa, trong 2 nghiên cứu hồi cứu nhỏ trên bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc bị tổn thương phổi nặng, người ta nhận thấy rằng việc sử dụng thuốc này có thể cải thiện đáng kể về mặt lâm sàng mà không có tác dụng phụ quan trọng. Một thông cáo báo chí từ một mạng lưới các bệnh viện ở Pháp công bố rằng thử nghiệm CORIMUNO-TOCI (NCT04331808) của tocilizumab so với giả dược ở những bệnh nhân bị viêm phổi COVID-19 nặng không cần thở máy cho thấy chất này làm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải thở máy sau 14 ngày [11].
Sarilumab
Một thử nghiệm lâm sàng khác (NCT04327388) đánh giá hiệu quả của sarilumab, một chất ức chế thụ thể IL-6, ở bệnh nhân người lớn, nhập viện, COVID-19 nặng hoặc nguy kịch. Một thông cáo báo chí từ Regeneron về kết quả của nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2 và quyết định chỉ tiến hành thử chất này ở giai đoạn 3 trên những bệnh nhân được xác định là “nguy kịch”, tức là những bệnh nhân cần điều trị oxy lưu lượng cao hoặc thở máy. Thông cáo báo chí trên cũng cho thấy các dữ liệu đáng khích lệ trong việc sarilumab (400 mg) làm giảm tỷ lệ tử vong hoặc nhu cầu thở máy vào ngày 29 sau khi dùng thuốc. Với liều 200 mg cho kết quả không rõ rệt vì vậy thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 chỉ được thử với liều 400 mg [11].
Sirukumab
Thử nghiệm lâm sàng (NCT04380961) đang được tiến hành để đánh giá tác dụng sirukumab, một kháng thể nhắm mục tiêu IL-6, được dùng đường tiêm tĩnh mạch trên bệnh nhân COVID-19 nặng hoặc nguy kịch. Thử nghiệm lâm sàng (NCT04330638) cũng đang tiến hành đánh giá hiệu quả của việc sử dụng kết hợp anakinra, tocilizumab và siltuximab nhằm ức chế cả IL-1 và IL-6. Tocilizumab hiện đã được đưa vào nhiều hướng dẫn thực hành để điều trị COVID-19, đặc biệt là để điều trị bệnh nhân nặng bị giảm oxy máu nặng. Tuy nhiên vẫn cần có thêm các kết quả thử nghiệm lâm sàng để khẳng định hiệu quả của thuốc này [11].
Chất ức chế TNF-α
SARS-Cov2 làm tăng TNF-α-converting enzyme (TACE) phụ thuộc ACE-2, cho phép virus xâm nhập vào tế bào chủ [9] và tăng giải phóng TNF-α. Một thử nghiệm lâm sàng (ChiCTR2000030089) đánh giá tác dụng của adalimumab, chất chẹn TNF-α, trên bệnh nhânCOVID-19 hiện đang được tiến hành [11].
Chất ức chế Janus Kinase
Janus kinase (JAK) là 1 họ enzym có trong virus, trong các JAK protein kinase 1 (AAK1), đóng vai trò quan trọng trong hoạt độngk của virus; Các chất ức chế AAK1 có thể có thể phù hợp để điều trị COVID-19. Barcitinib, một chất ức chế JAK có ái lực cao với AAK1, là chất đầu tiên được xem xét do nó tương đối an toàn [13]. Tuy nhiên, có nguy cơ các chất ức chế JAK có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều loại cytokin gây viêm, bao gồm INF-α, một chất trung gian mạnh của phản ứng kháng vi-rút. Hiện tại, có 2 thử nghiệm lâm sàng (ChiCTR2000030170 và ChiCTR2000029580) đang được tiến hành, kết quả hy vọng sẽ cung cấp thêm hiểu biết về tác dụng ức chế JAK và AAK1 ở bệnh nhân COVID-19 [11].
Chất ức chế C-C Chemokine Receptor Type 5
Thụ thể chemokine C-C loại 5 (CCR5) có ở trên bề mặt tế bào bạch cầu, đặc biệt là tế bào T-CD4 +, và làm trung gian cho sự di chuyển của đại thực bào vào vùng viêm, tạo điều kiện giải phóng các cytokin gây viêm và khuếch đại đáp ứng miễn dịch [46]. Một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 ( NCT04347239) được tiến hành với leronlimab, một kháng thể đơn dòng ức chế CCR5 để xác định xem liệu ức chế con đường này có thể làm giảm tỷ lệ tử vong ở 28 sau sử dụng ở bệnh nhân COVID-19 nặng hay không [11].
3. Tế bào gốc
Tế bào gốc trung mô (MSC) có các hoạt động điều hòa miễn dịch mạnh]. Một số nghiên cứu trên động vật và trên phổi người đã chứng minh rằng MSC có thể ngăn ngừa tổn thương phổi, giảm viêm, điều chỉnh phản ứng miễn dịch và thúc đẩy sự thanh thải dịch ở phế nang. Hơn nữa, MSC tiết ra các phân tử có tác dụng kháng khuẩn và giảm đau. Tính an toàn khi tiêm MSC đã được chứng minh trong nhiều thử nghiệm lâm sàng trên người, bao gồm cả các nghiên cứu trên bệnh nhân suy hô hấp cấp. Trên cơ sở những kết quả khả quan này, việc sử dụng MSC đã được đề xuất để điều trị tổn thương phổi do COVID-19, và một thử nghiệm thí điểm gần đây của Leng et al. bao gồm 7 bệnh nhân cho thấy việc cấy ghép ACE-2 MSC vào tĩnh mạch là an toàn và hiệu quả để điều trị viêm phổi liên quan đến SARS-CoV2, đặc biệt ở những bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng (rất nặng). Hiện tại, có một số thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra thử nghiệm việc ứng dụng tế bào gốc mô đệm trung mô (SC) (NCT04361942 và NCT04345601), SC có nguồn gốc từ mô mỡ (NCT04366323), SC tủy răng người (NCT04336254) và SC lấy từ tủy xương ở bệnh nhân COVID-19, hy vọng sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về vai trò có lợi / có hại của MSC [10].
4. Truyền Immunoglobulin
Tiêm tĩnh mạch immunoglobulin đã được chứng minh là có lợi ở những bệnh nhân mắc các bệnh viêm mãn tính và tự miễn. Tiêm tĩnh mạch immunoglobulin có thể có tác dụng chống viêm và điều hòa miễn dịch và có thể đẩy nhanh quá trình thanh thải Virus và ngăn chặn sự xâm nhập virus vào các tế bào đích. Trong một số trường hợp được báo cáo từ Bệnh viện Jin Yintan (Vũ Hán, Trung Quốc), liều cao immunoglobulin được sử dụng trong vài ngày đầu tiên khi bệnh nhân trở nặng là một lựa chọn có giá trị để ngăn chặn sự tiến triển của COVID-19. Tuy nhiên, thời điểm dung được cho là rất quan trọng, vì không có tác dụng có lợi nào được quan sát thấy nếu dùng immunoglobulin khi tổn thương phổi và tổn thương toàn thân đã xảy ra [3]. Mặc dù nó có nhiều hứa hẹn, việc sử dụng IVIg trong COVID-19 đòi hỏi phải được đánh giá trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và tiền cứu [11].
5. Sử dụng huyết tương người đã có kháng thể
Liệu pháp truyền huyết tương thu được từ những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV2 đã khỏi bệnh hoặc những người được tạo kháng thể để tạo cho bệnh nhân khả năng miễn dịch ngay lập tức hạn chế sự khuếch đại của virus và tác dụng điều hòa miễn dịch. Trong 1 báo cáo trên 5 bệnh nhân nặng có suy hô hấp liên quan đến COVID-19, việc truyền huyết tương có kháng thể đặc hiệu SARS-CoV-2 (IgG) giúp cải thiện tình trạng lâm sàng của bệnh nhân [3]. Đánh giá hệ thống của Rajendran et al. [12] trên 5 nghiên cứu về việc truyền huyết tương cho bệnh nhân COVID-19 cho thấy liệu pháp này có thể làm giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân nặng, tăng hiệu giá kháng thể, một số lượng lớn bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RNA SARS-CoV-2 âm tính, giảm đáng kể các triệu chứng. Lưu ý, lợi ích của liệu pháp truyền huyết tương lớn hơn khi nó được sử dụng kịp thời trong giai đoạn sớm vì tác dụng phổ biến của nó là thông qua trung hòa trực tiếp Virus, trong khi việc tiêm tĩnh mạch immunoglobulin có thể hữu ích ngay cả trong giai đoạn muộn hơn vì cơ chế chính là chống lại các tác động có hại của phản ứng miễn dịch. Trên cơ sở những kết quả đáng khích lệ này, có một số thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra nhằm kiểm tra hiệu quả của liệu pháp truyền huyết tương ở bệnh nhân COVID-19 và kết quả của chúng có thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về thời điểm và phương thức sử dụng thích hợp của liệu pháp đầy hứa hẹn này [11].
6. Lọc máu
Một lựa chọn không dùng thuốc đối với COVID-19 để chống lại bão cytokin là lọc máu. Tuy nhiên, việc áp dụng các kỹ thuật này ở bệnh nhân COVID-19 vẫn chưa phổ biến và cần phải điều tra thêm để xác nhận tác dụng có lợi của chúng [11].
III. Kết luận
Bão cytokin là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong ở COVID-19. Các phương pháp điều trị nhằm quản lý cơn bão cytokin có thể là phương pháp điều trị để giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến COVID-19 trong đó các liệu pháp điều hòa miễn dịch để kiểm soát và chống lại sự tiến triển của các cơn bão cytokin trong giai đoạn đầu của COVID-19 có thể cải thiện đáng kể việc bệnh tiến triển nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Mặc dù một số liệu pháp được sử dụng để kiểm soát cơn bão cytokin đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng để điều trị COVID-19, nhưng các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng còn hạn chế. Hơn nữa, thời điểm tốt nhất của các liệu pháp chống bão cytokin vẫn còn đang được nghiên cứu. các phương pháp điều trị mới, hiệu quả và tác dụng không mong muốn cảu các phương pháp điều trị này đang được nghiên cứu và cập nhật thường xuyên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 | David C Fajgenbaum, Carl H June, 2020, Cytokine Storm, N Engl J Med, 383(23):2255-2273. |
2 | 1. https://clinicaltrials.gov/. COVID-19 Clinical Trials. |
3 | Cao W, Liu X, Bai T, Fan H, Hong K, Song H, et al. High-Dose Intravenous Immunoglobulin as a Therapeutic Option for Deteriorating Patients With Coronavirus Disease 2019. Open Forum Infect Dis. 2020 Mar;7((3)):a102. |
4 | Coomes EA, Haghbayan H. Interleukin-6 in COVID-19: A Systematic Review and Meta-Analysis. medRxiv (2020) 2020.2003.2030.20048058. |
5 | Channappanavar R, Perlman S. Pathogenic human coronavirus infections: causes and consequences of cytokine storm and immunopathology. Semin Immunopathol (2017) 39(5):529–39. |
6 | Finkel, Richard; Clark, Michelle A.; Cubeddu, Luigi X, 2009, Lippincott’s Illustrated Reviews: Pharmacology, 4th Edition, p 311-315 |
7 | Giulia Iannaccone 1, Roberto Scacciavillani 1, Marco Giuseppe Del Buono 1, Massimiliano Camilli 1, et al. , Weathering the Cytokine Storm in COVID-19: Therapeutic Implications, Cardiorenal Med. 2020;10(5):277-287 |
8 | Giuseppe Magro ,COVID-19: Review on latest available drugs and therapies against SARS-CoV-2. Coagulation and inflammation cross-talking, Virus Res. 2020 Sep;286:198070 |
9 | Haga S, Yamamoto N, Nakai-Murakami C, Osawa Y, Tokunaga K, Sata T, et al. Modulation of TNF-α-converting enzyme by the spike protein of SARS-CoV and ACE2 induces TNF-α production and facilitates viral entry. Proc Natl Acad Sci USA. 2008 Jun;105((22)):7809–14 |
10 | Leng Z, Zhu R, Hou W, Feng Y, Yang Y, Han Q, et al. Transplantation of ACE2- Mesenchymal stem cells improves the outcome of patients with covid-19 pneumonia. Aging Dis. 2020 Mar;11((2)):216–28 |
11 | Lu Tang,1,2 Zhinan Yin,3,4 Yu Hu,1,2,* and Heng Mei1,2,*; 2020, Controlling Cytokine Storm Is Vital in COVID-19, Front Immunol. 2020; 11: 570993 |
12 | Rajendran K, Krishnasamy N, Rangarajan J, Rathinam J, Natarajan M, Ramachandran A. Convalescent plasma transfusion for the treatment of COVID-19: systematic review. J Med Virol. 2020 May:jmv.25961 |
13 | Richardson P, Griffin I, Tucker C, Smith D, Oechsle O, Phelan A, et al. Baricitinib as potential treatment for 2019-nCoV acute respiratory disease. Lancet. 2020 Feb;395((10223)):e30–1. |
14 | Ruan Q, Yang K, Wang W, Jiang L, Song J. Clinical predictors of mortality due to COVID-19 based on an analysis of data of 150 patients from Wuhan, China. Intensive Care Med. 2020 May;46((5)):846–8 |
15 | Shimabukuro-Vornhagen A, Gödel P, Subklewe M, Stemmler HJ, Schlößer HA, Schlaak M, et al. Cytokine release syndrome. J Immunother Cancer. 2018 Jun;6((1)):56. |
16 | Siddiqi HK, Mehra MR. COVID-19 illness in native and immunosuppressed states: A clinical-therapeutic staging proposal. J Heart Lung Transplant (2020) 39(5):405–7. |
17 | The RECOVERY Collaborative Group, Published online 2020 Jul 17, Dexamethasone in Hospitalized Patients with Covid-19 — Preliminary Report, N Engl J Med. 2020 Jul 17 : NEJMoa2021436. |
18 | Ulhaq ZS, Soraya GV. Interleukin-6 as a potential biomarker of COVID-19 progression. Méd Maladies Infectieuses (2020) 50(4):382–3. |
19 | WHO Clinical management of severe acute respiratory infection (SARI) when COVID-19 disease is suspected: Interim guidance V 1.2. WHO. 2020 |
20 | Zhu Z, Cai T, Fan L, et al. Clinical value of immune-inflammatory parameters to assess the severity of coronavirus disease 2019. Int J Infect Dis 2020;95:332-339. |